Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn M2 và M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh
Thực hiện Kế hoạch Trợ giúp pháp lý (TGPL) số 18/KH-TGPL ngày 22/12/2023 của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh về Kế hoạch công tác năm 2024.
Tối ngày 17 tháng 5 năm 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định, Chi nhánh TGPL số 5 phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức đợt truyền thông trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở cho bà con nhân dân thôn M2 và M3, xã Vĩnh Thịnh với 126 lượt người tham dự.
Tham gia đợt truyền thông TGPL này về phía Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh có ông Lâm Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Hữu Vinh- Trưởng phòng pháp luật Lao động và xã hội; bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng Chi nhánh TGPL số 5 và các chuyên viên pháp lý. Về phía địa phương có bà Đinh Thị Kim Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thịnh; đại diện các hội, đoàn thể xã và ban quân chính hai thôn M2, M3 cùng tham gia với đoàn. Tại đây, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã báo cáo một số nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật theo yêu cầu của địa phương như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Hình ảnh tại buổi TGPL ngoài trụ sở tại thôn M3, xã Vĩnh Thịnh
Kết hợp với việc tuyên truyền pháp luật, đoàn Trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở đã cấp phát miễn phí gần 200 tờ gấp pháp luật các loại cho những người tham dự có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu. Đồng thời đã thực hiện tư vấn, giải đáp pháp luật cho 06 trường hợp có yêu cầu được trợ giúp pháp lý, các vụ việc chủ yếu liên quan đến pháp luật về dân sự và hình sự. Thông qua đợt trợ giúp pháp lý này, người dân nơi đây đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được trợ giúp pháp lý kịp thời, miễn phí.
Có thể nói, hoạt động trợ giúp pháp lý là phương thức hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động này không chỉ có tác dụng góp phần nâng cao ý thức pháp luật mà còn giúp cho người dân nói chung và người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức về pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình khi bị xâm phạm.