Sự khác nhau trong quy định về đèn xanh và đèn vàng giữa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật giao thông đường bộ năm 2008
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Qua đó, Luật có một số thay đổi về tín hiệu đèn giao thông như sau:
Căn cứ khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
- Thứ nhất quy định về đèn xanh: Tại điểm a khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định: “Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường”; Như vậy nếu so với điểm a khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Tín hiệu xanh là được đi”;thì quy định trên tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quan tâm đến quyền ưu tiên của người đi bộ và người khuyết tật nhiều hơn.
- Thứ hai: Quy định về đèn vàng: Nếu tại điểm c khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về đèn vàng: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”thì tại điểm b khoản 4 Điều 11Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định: “Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác”.
Như vậy, có thể thấy Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quan tâm, ưu tiên đến quyền lợi của người khuyết tật khi tham gia giao thông nhiều hơn so với Luật giao thông đường bộ năm 2008.