Ngày 31/10/2024, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với 09 bị cáo cùng trú tại xã Hoài Mỹ và phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn. 08 trong số 09 bị cáo có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo, 01 bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt. Tất cả các bị cáo tại thời điểm phạm tội đều là người chưa thành niên và được Trung tâm TGPL NN tỉnh Bình Định cử TGV PL tham gia bào chữa từ gia đoạn điều tra cho đến khi kết thúc vụ án.
Ngày 08/01/2023, chỉ vì mâu thuẫn khi tham gia bình luận trên mạng xã hội Facebook mà các bị cáo trên cùng các bị cáo khác trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn chia thành hai nhóm tham gia đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, các bị cáo đã có hành vi tập trung đông người, chuẩn bị mã tấu, tuýp sắt, vỏ chai bia để thực hiện hành vi. Trong quá trình rượt đuổi đánh nhau các bị cáo chạy xe moto với tốc độ nhanh, nẹt bô và kéo lê tuýp sắt một đoạn đường dài gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và làm cho người dân sinh sinh sống trên đoạn đường mà các đối tượng đi qua hoang mang, lo lắng.
Các bị cáo đã bị các cơ quan chức năng khởi tố, truy tố và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bản thân các bị cáo và gia đình vô cùng ăn năn, hối hận, tuy nhiên sự việc đã xảy ra và pháp luật rất nghiêm minh nên các bị cáo đã bị xử phạt các mức hình phạt tương ứng với hành vi của mình, và các mức phạt dành cho các bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Đây xem như là bài học đắt giá cho bản thân các bị cáo và gia đình.
Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng đặc biệt là tội phạm về gây rối trật tự công cộng với số lượng người tham gia đông, một phần vì adua, phần vì nhận thức pháp luật thấp, không thấy được hậu quả xảy ra, phần nữa là do sự lơ là thiếu quan tâm chăm sóc của gia đình, nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Qua đây cũng thấy rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền các văn bản pháp luật đến với lứa tuổi thanh thiếu niên là rất cần thiết, để các em nắm rõ các quy định của pháp luật qua đó khi có vấn đề gì xảy ra các em biết tự bảo vệ bản thân tránh khỏi những hành vi sai lầm không đáng có.
Hoạt động TGPL mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngoài hoạt động tham gia tố tụng bảo vệ, bào chữa ở các giai đoạn tố tụng cho các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định; thì hoạt động truyền thông về TGPL góp phần quan trọng không kém, hoạt động này giúp cho đông đảo người dân kể cả đối tượng thuộc diện được TGPL và người không thuộc diện được TGPL tiếp cận gần hơn với các văn bản, các quy định pháp luật hiện hành qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và tránh được các trường hợp vi phạm pháp luật xảy ra.